Vì sao xe hơi Việt Nam lại có giá cao?
Có bao giờ các bạn thắc mắc tại sao giá xe ô tô trong nước (ở đây là giá lăn bánh) lại luôn cao, cao hơn nhiều so với giá xe trong khu vực, dù chỉ là những xe bình dân nhất như Grandi10 cho đến Kia Morning chưa?
Bài viết này sẽ không đề cập đến những vấn đề như Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện hoặc thậm chí là nguyên chiếc ô tô. Tôi sẽ chỉ đề cập đến lí do giá xe cao từ góc độ chính sách thuế và an sinh xã hội của chính phủ thôi nhé.
Hiện nay, để lăn bánh, một chiếc xe ở Việt Nam sẽ phải chịu những khoản tiền thuế và phí sau
- Thuế nhập khẩu: Nếu xe nào phải nhập khẩu từ nước ngoài sẽ phải chịu thuế nhập khẩu. Xe sản xuất trong ASEAN sẽ chịu thuế 30%, ngoài khu vực ASEAN là 70%.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: Tùy dung tích xi lanh, áp dụng với các xe nhập khẩu
- Thuế giá trị gia tăng – 10% giá ô tô sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt
- Phí trước bạ ô tô: 10% giá trị ô tô (không gồm các thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt). Tùy từng địa phương mà loại phí này sẽ thay đổi
- Phí đăng kiểm: Với xe dưới 9 chỗ là 240.000 đồng/ năm
- Phí đăng ký biển số: Tùy địa điểm. Như Hà Nội là 20 triệu đồng
Chưa kể còn các loại phí và bảo hiểm khác.
Đến đây đã rõ là vì sao giá ô tô của Việt Nam lại cao như vậy. Nhưng các bạn sẽ thắc mắc là tại sao ô tô lại phải cõng nhiều khoản phí như vậy không?
Câu trả lời là để nhà nước có thể cân bằng ngân sách nhà nước, rộng ra là để đảm bảo an sinh xã hội.
Chúng ta rất may mắn khi được hưởng một hệ thống giáo dục và y tế phổ cập và rất rẻ. Học phí của các trường học công (không bao gồm những tiết học kỹ năng sống, tăng cường bla bla bla) luôn rất rẻ, vì được nhà nước bao chi toàn bộ. Trong khi đó, 90,7% người dân cả nước có bảo hiểm (dự kiến số liệu 2020), tức là khoảng 85 triệu dân Việt Nam có bảo hiểm. Đảm bảo ai cũng được học, được khám chữa bệnh là một nỗ lực rất đáng ghi nhân của Việt Nam các bạn ạ.
Vì chi cho giáo dục và y tế công là hai nguồn chi khổng lồ, ngốn rất nhiều ngân sách của nhà nước. Tỷ lệ chi giáo dục của chính phủ chiếm 20% tổng ngân sách, chi y tế chiếm hơn 7% chi ngân sách. Có thể so với các nước khác đây không phải là một mức cao, nhưng đây vẫn là nỗ lực của chính phủ để đảm bảo người dân có được 2 nhu cầu cơ bản nhất, đó là khỏe mạnh và có học.
Nhưng thế thì nhà nước lấy tiền ở đâu để chi? Tất nhiên, một phần ngân sách sẽ đến từ việc đánh thuế cao vào các mặt hàng xa xỉ và có giá trị cao. Ô tô được xác định là một mặt hàng như vậy, nên nó phải chịu những khoản phí cao ngất để bù vào ngân sách. Chưa kể nhà nước cũng bỏ rất nhiều tiền để xây dựng đường xá, cầu đường, cải thiện hệ thống giao thông. Những khoản tiền như thế là rất lớn, vậy thì chính phủ sẽ lấy tiền ở đâu nếu không phải từ những mặt hàng như ô tô?
Các bạn cần hiểu là thu nhập của người Việt Nam vẫn thấp, nói thẳng là như vậy. Và thực lòng thì thuế thu nhập cá nhân của người Việt cũng không đủ để bù đắp cho những khoản chi công như bảo hiểm y tế, giáo dục. Nên chắc chắn chính phủ phải tận thu những mặt hàng như ô tô rồi.
Vậy đấy, khi các bạn đang được khám chữa bệnh với giá rẻ (rẻ ở đây là so với các nước khác), thì đừng nên đòi hỏi giá ô tô cũng phải rẻ nốt. Vì giá ô tô mà rẻ nữa thì nhà nước không thể kham nổi chi tiêu đâu.